Hiện nay, bên cạnh hoạt động của các bệnh viện của Nhà nước thì các bệnh viện do tư nhân thành lập ngày càng phát triển. Khi thành lập bệnh viện, tổ chức cá nhân cần tiến hành thành lập công ty kinh doanh bệnh viện. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích điều kiện thành lập công ty kinh doanh bệnh viện theo quy định pháp luật.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023;
- Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh;
- Thông tư 59/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
- Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Công ty kinh doanh bệnh viện là gì?
Bệnh viện là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, bệnh viện bao gồm các hình thức sau:
- Bệnh viện đa khoa;
- Bệnh viện chuyên khoa.
- Bệnh viện y học cổ truyền;
- Bệnh viện răng hàm mặt;
Bệnh viện có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc có thể do tư nhân thành lập. Đối với bệnh viện do tư nhân thành lập, cần có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Ngoài ra, nếu thành lập bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, cần phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) mà Việt Nam tham gia ký kết làm thành viên, đối với trường hợp bệnh viện được thành lập có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với Dịch vụ bệnh viện (CPC 9311):
- Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu đô la Mỹ và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.
Điều kiện thành lập công ty kinh doanh bệnh viện
Để thành lập công ty kinh doanh bệnh viện, cần đáp ứng các điều kiện về thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều kiện về loại hình doanh nghiệp
Hiện nay, pháp luật không quy định giới hạn về loại hình doanh nghiệp khi kinh doanh bệnh viện. Tuy nhiên do đặc thù của loại hình kinh doanh dịch vụ bệnh viện nên hình thức thành lập của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
Điều kiện về chủ thể
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập công ty kinh doanh bệnh viện, trừ một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về người đại diện theo pháp luật: Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp mà người đại diện theo pháp luật có thể đảm nhiệm các chức danh khác nhau. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định rõ trong điều lệ công ty.
Điều kiện về tên gọi
- Theo Điều 37 của Luật Doanh nghiệp 2020, tên công ty phải bao gồm hai thành tố loại hình công ty và tên riêng.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên công ty phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
- Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Điều kiện về trụ sở
- Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
- Không được đăng ký địa chỉ trụ sở công ty tại chung cư, nhà tập thể hoặc những nơi chỉ có chức năng để ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Doanh nghiệp nên lựa chọn địa chỉ nhà riêng (có sổ đỏ), địa chỉ của tòa nhà văn phòng và những nơi có chức năng kinh doanh thương mại.
- Có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Điều kiện về góp vốn
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động
Để được hoạt động trên thực tế thì bệnh viện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định để được cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện.
Công ty kinh doanh bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, cụ thể:
Về quy mô
- Bệnh viện đa khoa: tối thiểu 30 giường bệnh;
- Bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện răng hàm mặt: tối thiểu 20 giường bệnh;
- Bệnh viện chuyên khoa: tối thiểu 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt: tối thiểu 10 giường bệnh.
Về cơ sở vật chất
- Có địa điểm cố định đáp ứng các quy định của pháp luật về: an toàn chịu lực, phòng cháy và chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, an toàn bức xạ (nếu có); bảo đảm đủ điện, nước phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Có biển hiệu, có sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính;
- Bố trí các bộ phận chuyên môn phù hợp chức năng của từng bộ phận, thuận tiện cho việc khám bệnh, chữa bệnh;
- Đáp ứng các yêu cầu về xây dựng theo quy định của pháp luật, trong đó: bảo đảm diện tích sàn xây dựng tối thiểu 50 m2/giường bệnh; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt tối thiểu 10 m, bảo đảm lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu.
Về thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển
- Có thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động đăng ký.
- Có phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở trên địa bàn có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Về tổ chức
- Ban lãnh đạo, quản lý bệnh viện.
- Các bộ phận chuyên môn: Bệnh viện được tổ chức theo các bộ phận chuyên môn về khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và phụ trợ.
- Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán, công nghệ thông tin, thiết bị y tế và các chức năng cần thiết khác.
Về nhân sự
- Số lượng người hành nghề toàn thời gian trong từng khoa phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% trên tổng số người hành nghề trong khoa;
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng.
- Trưởng bộ phận chuyên môn khác không thuộc đối tượng cấp giấy phép hành nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
- Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 19 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện các hoạt động chuyên môn theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám, việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn và khả năng của người đó.
Một số câu hỏi thường gặp
Lệ phí liên quan đến thành lập công ty kinh doanh bệnh viện gồm những gì?
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 50.000đ/lần. (Thông tư 47/2019/TT-BTC);
- Lệ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000đ/lần (Thông tư 47/2019/TT-BTC);
- Phí thẩm định cấp Giấy phép hoạt động bệnh viện: 10.500.000đ/lần (Thông tư 59/2023/TT-BTC).
Mã ngành nghề đăng ký công ty kinh doanh bệnh viện là gì?
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, công ty kinh doanh bệnh viện có thể đăng ký mã ngành nghề kinh doanh chính theo số 86101 – hoạt động của các bệnh viện.
Bệnh viện có phải trực 24/24 không?
Theo Khoản 6 Điều 41 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, bệnh viện phải thực hiện điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày.
Công ty kinh doanh bênh viện có phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản không?
Theo Điều 49 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, để được hoạt động, ngoài việc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động thì bệnh viện phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 trong quá trình hoạt động. Tiêu chuẩn chất lượng là các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật dùng làm cơ sở để đánh giá chất lượng của dịch vụ kỹ thuật hoặc của từng chuyên khoa hoặc của toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động.
Dịch vụ thành lập bệnh viện của Luật
- Tư vấn pháp luật về các điều kiện, thủ tục thành lập công ty kinh doanh bệnh viện;
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập công ty kinh doanh bệnh viện;
- Soạn thảo văn bản, tổng hợp hồ sơ thành lập;
- Đại diện khách hàng tiến hành thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tư vấn những vấn đề pháp lý sau khi được thành lập.
Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thành lập công ty kinh doanh bệnh viện như các cơ sở khám chữa bệnh khác, xin vui lòng liên hệ dịch vụ tư vấn của Luật để được hỗ trợ tốt nhất!